Phương pháp đọc sách hiệu quả? Đúc kết từ một đứa từng “GHÉT” sách

Phương pháp đọc sách hiệu quả? Đúc kết từ một đứa từng "GHÉT"sách
Chia sẻ ngay nếu bạn thấy nó mang lại giá trị!Share on facebook
Facebook
Share on pinterest
Pinterest
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
Linkedin

Trước khi bắt đầu vào bài viết thì mình muốn nói với các bạn rằng đây là những chia sẻ của cá nhân mình. Sau khi tham khảo rất nhiều phương pháp đọc sách trên các nền tảng như Youtube, Google, Tiktok thì dưới đây là những cách mình cảm thấy hiệu quả nhất.

Sau hơn 1 năm vật vã thì mình cũng bắt đầu hết “ghét” sách. Chắc không cần phải diễn tả chi tiết mình từng không thích sách như thế nào đâu nhỉ? Vào vấn đề chính thôi!!

Lựa sách phù hợp với HIỆN TRẠNG bản thân

HIỆN TRẠNG ở đây nghĩa là gì? Tức là bạn đang trong tình trạng nào? Muốn tìm hiểu vấn đề gì? Muốn giải quyết vấn đề gì? Người ta hay nói “Ngứa ở đâu thì gãi ở đó“. Chọn đúng sách giống như gãi đúng chỗ ngứa vậy.

Một ví dụ từ mình để các bạn có thể hình dung rõ nhất nhé. Thời điểm khi mình mắc chứng rối loạn lo âu, mình luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng tột độ mà không rõ nguyên nhân. Khi đó mình may mắn đọc được cuốn “Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản” của tiến sĩ Chi Nguyễn – chủ kênh Youtube/Blog/Podcast The Present Writer.

Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản
Một cuốn sách về chủ nghĩa tối giản

Nội dung mình ấn tượng nhất đó là Sống cho hiện tại. Tức là thay vì đau khổ với quá khứ, lo lắng cho tương lai, hãy tập trung 100% cho hiện tại. Tất nhiên là việc thực hành không hề dễ dàng, nhưng mình nhận ra rằng cần phải sống chậm lại, tối giản hoá suy nghĩ, hành động, dồn toàn bộ năng lượng và sự tập trung cho hiện tại.

Vừa rồi người bạn của mình có giới thiệu một cuốn sách rất hay, nội dung hướng đến phụ nữ, đại ý là phụ nữ cần phải yêu thương bản thân mình (thêm một chút xíu nữ quyền trong đó -> theo mình là vậy). Mình từng đọc qua những cuốn sách khác của tác giả này, đa số sách của cô ấy đều chung 1 mô tuýp.

Những đầu sách của cô ấy đều bán rất chạy, tuy nhiên khi đọc thì mình không cảm thấy phù hợp. Mình có thử hỏi lại nhỏ bạn, thì “vâng ạ! nhỏ bạn tôi đang trong tình trạng thất tình mọi người ạ!!!“. Thế nên bạn chọn sách với thông điệp rằng người cần yêu thương nhất là chính mình. Còn mình thì chưa trải qua chuyện yêu đương nên không thấm được cuốn sách.

Vì vậy, bước đầu chọn sách, hãy tự hỏi “Mình đang cần gì?” Cần phát triển bản thân, cần vượt qua nỗi đau thất tình, cần phát triển sự nghiệp hay cần kiến thức làm nghề? Chọn đúng sách để gãi được chỗ ngứa!

Liên tưởng, gắn vào hoàn cảnh thực tế

Không có cách nào dễ nhớ hơn việc đọc tới đâu liên tưởng đến đó. Nếu chỉ đọc qua chắc chắn bạn sẽ không thể nhớ hết được nội dung của cả cuốn sách.

Bạn cứ thoải mái liên tưởng, thậm chí ghi lại vào sách những thứ bạn nghĩ tới. Vì là sách của mình mà, cứ việc viết ra mà không sợ ai đọc phải hay chê cười.

Ví dụ khi đọc cuốn “Mindset – Tâm lý học thành công”, cuốn sách chia tư duy con người ra thành 2 kiểu là Tư duy cố địnhtư duy phát triển. Mình đã yêu cầu những người bạn trong nhóm thực hiện ngay bài test để tiến hành phân loại.

Cách mình liên tưởng và tương tác
Cách mình liên tưởng và tương tác

Càng đọc vào sâu cuốn sách, mình có thể ngầm xác định được ai là người có tư duy phát triển, cách bạn hành động, cư xử, giải quyết vấn đề của bạn ấy đúng với những gì sách đề cập đến. Khi đó chỉ cần nhìn bạn, mình có thể nhớ ngay nét tính cách của người có tư duy phát triển. Tư duy cố định cũng tương tự.

Không có cách nào nhớ nhanh, nhớ lâu hơn là thực hành. Đọc sách cũng vậy.

Take notes hoặc highlight

Phương pháp đọc sách này có vẻ các bạn đã nghe qua nhiều. Mình cũng áp dụng. Mới đầu mình dùng 1 cuốn sổ tay note ra những câu tâm đắc. Nhưng một khoản thời gian sau mình phát hiện mình chả bao giờ lật sổ ra để đọc lại.

Sau này mình chọn cách viết thẳng vào sách. Cũng vì sợ làm bẩn sách nên mình mới chọn viết ra sổ tay, nhưng sau khi thấy cuốn sách mình đầy màu xanh, đỏ, màu mực mình lại cảm thấy hứng thú hơn nhiều. Đôi lúc mình note ra những câu rất ngớ ngẩn, nhưng nó khiến mình thấy vui hơn nhiều.

Chẳng hạn đọc đến đoạn “tình yêu” của một cuốn sách. Mình viết hẳn câu chuyện tình yêu của bạn mình vào đó để cho dễ liên tưởng, dễ nhớ. Giống như cách mình để cập ở trên.

Đây cũng được xem là một thú vui khi đọc sách

Rèn luyện tư duy phản biện với sách

Sách được viết bởi người, và con người không phải lúc nào cũng đúng. Sách cũng tương tự, không phải cuốn sách nào cũng hay và nói gì cũng đúng. Một số trường hợp vì sách xuất bản đã quá lâu, không còn phù hợp với thời điểm hiện tại nữa. Thay vì bỏ không đọc, mình tận dụng nó để rèn luyện tư duy phản biện. 

Tin mình đi, phản biện với sách thật sự rất thú vị. Thay vì đọc thụ động, đọc lướt qua, khi phản biện bạn sẽ có đủ cung bậc cảm xúc, tức giận, nóng nảy, chỉ muốn combat với tác giả ngay lập tức.

Cách mình phản biện với sách
Cách mình phản biện với sách

Cuốn sách mà mình phản biện tơi tả nhất là cuốn “Sự khác biệt giữa người giàu và người nghèo“. Mình viết nát cả sách, cảm giác mình đang cãi tay đôi với tác giả. Nhưng thật bất ngờ, mình đọc xong cuốn sách hơn 400 trang chỉ trong 3 ngày (bình thường mình đọc hơn 1 tháng). Và khi nhận ra cuốn sách này không hay, mình vẫn muốn đọc tiếp chỉ để phản biện với nó. Thử áp dụng nhé!

Tạo tính kỷ luật cho bản thân

Hứng thú chỉ là nhất thời, khi chọn phải cuốn sách không hay, sẽ rất dễ khiến bản thân bị tuột mood một khoản thời gian dài. Khi đó mình chẳng muốn đụng vào sách nữa.

Chính vì vậy, phải đưa bản thân vào kỷ luật, tạo thói quen. Bạn có thể quy định một ngày đọc 10 trang. Khi đặt ra, nhất định phải đọc đúng 10 trang. Cho dù bận rộn, đi du lịch, đi làm, đi tụ tập bạn bè, vẫn phải hoàn thành 10 trang sách.

Bản thân mình đặt mục tiêu 30 trang sách mỗi ngày. Nếu tối có hẹn, mình sẽ tranh thủ giờ nghỉ trưa để đọc. Hoặc đọc vào những khoảng thời gian nghỉ trong ngày, để buổi tối thong thả hơn chẳng hạn.

Cũng có thể áp dụng một số cách khác. Lại lấy bản thân ra làm ví dụ, vì lười đọc sách, mình lập ra 1 Fanpage chuyên review sách. Khi có fanpage, mình buộc phải đọc sách cho kỹ mới, nhớ được nội dung, khi đó mới có thể đưa ra những review chính xác, chân thực.

Fanpage review sách của mình
Fanpage review sách của mình

Hay blog này cũng là một ví dụ, trên blog mình review kỹ hơn, khi review cho mọi người, mình được dịp ôn lại những kiến thức mình từng đọc qua. Thúc đẩy bản thân phải đọc thêm sách mới có cái để review.

Mạnh dạn bỏ dở cuốn sách mà bạn cảm thấy không phù hợp

Sách giống như một người bạn, bạn không tốt thì mình không chơi nữa. Sách cũng vậy, không hợp thì không đọc nữa. Nếu cố gắng đọc một cuốn sách mình không thích, bạn sẽ có ấn tượng rất xấu với sách. Bị tuột mood và không muốn động vào sách nữa. Mình cũng đã từng trải qua tình trạng này.

Hoặc có những cuốn bạn cần có đủ trải nghiệm mới có thể hiểu và thấm được nó. Khi chưa có đủ trải nghiệm để hiểu được sách, hãy tạm cất nó vào một góc. 1 – 2 năm sau đọc lại, biết đâu nó lại thành bạn tri kỷ.

Kết luận

Bấy nhiêu đó là kinh nghiệm của bản thân. Mình đã và đang áp dụng khá thành công cho tới thời điểm hiện tại. Không nói trước được tương lai những cách này có còn hiệu quả không? Nếu có cách nào hay hơn hãy share cho mình với nhé. Hiện tại mình không phải “mọt sách”, vẫn rất lười, vậy nên chia sẻ để cùng nhau bớt lười nhé!

Sau cùng thì cảm ơn một người bạn đã kiên nhẫn đưa mình đến với thế giới của những trang sách.

Mỹ Trinh – Fairy