Hành trình khám phá văn hóa:”Tục chôn tập thể của người Jrai”

Chia sẻ ngay nếu bạn thấy nó mang lại giá trị!Share on facebook
Facebook
Share on pinterest
Pinterest
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
Linkedin

Hôm nay là ngày thứ 2 đầu tuần, trên Tây Nguyên trời mưa rất to, dự báo sắp có bão. Chính vì vậy mà các em nhỏ cũng không đến nhà Thờ học. Nhân lúc không có tiết dạy, mình ngồi đây chia sẻ bài viết này.

Hôm nay, mình muốn chia sẻ với bạn một trải nghiệm thú vị của mình khi tham gia dự án “Dạy học cho em” tại vùng đất Tây Nguyên, đặc biệt là về tục “Mai táng của người Jrai.”

Tục chôn tập thể của người Jrai

Cha Chính đưa chúng mình đến thăm khu mộ người Jrai
Cha Chính đưa chúng mình đến thăm khu mộ người Jrai

Mình có cơ hội được Cha Chính – Cha Nhà Thờ Thánh Giuse Thợ – Ea Lũh đưa sang làng Jek xã Ia Sao để làm lễ tiếp sức cho các em người Jrai. Qua đó mình có cơ hội trải nghiệm văn hóa, trang phục của họ. Ấn tượng nhất là khi Cha đưa mình đến nghĩa trang, đồng thời giới thiệu về tục chôn tập thể của tộc người này.

Người Jrai có quan niệm đặc biệt về thế giới của những người chết. Họ tin rằng người chết cũng có cuộc sống riêng như khi còn sống. Những ai sống chung nhà khi chết cũng sẽ chung mồ.

Tại đây, mỗi ngôi mộ sẽ được đào sâu khoảng 2 mét, những người chết trong gia đình sẽ được chôn trong ngôi mộ này cho đến khi mộ đầy xác, không thể chôn được nữa sẽ có ngôi mộ mới khác.

Để có thể lo hậu sự cho bản thân và gia đình của mình, những người đàn ông khỏe mạnh sẽ vào trong rừng sâu, tìm những cây gỗ to, đẽo thành quan tài để sẵn dưới gầm nhà sàn. Đợi đến khi có người trong gia đình mất sẽ cho vào quan tài, sau đó mang đến nghĩa trang để chôn.

Chiếc quan tài được đẽo sẵn đặt dưới gầm nhà sàn
Chiếc quan tài được đẽo sẵn đặt dưới gầm nhà sàn

Quan tài được chôn dưới huyệt sâu 2 mét. Khi có người khác trong gia đình mất, họ lại đào ngôi mộ này lên để cho xác người mới mất vào trong quan tài. Trong trường hợp hai người chết gần nhau, xác của người trước vẫn chưa phân hủy hết, người làng sẽ vẫn tiếp tục nhồi nhét xác của người mới mất vào trong sau đó đậy nắp quan tài lại.

Ngược lại, nếu xác của người chết trước đã phân hủy hết, chỉ còn xương cốt, họ sẽ dồn xương cốt lại cùng một chỗ. Xương của người lớn tuổi sẽ được đặt lên phía trên đầu quan tài, người nhỏ tuổi hơn sẽ đặt ở phần cuối. Khi đó xác của người mới chết sẽ cho vào trong quan tài.

Vào khu mộ tụi mình khá sợ
Vào khu mộ tụi mình khá sợ

Mình được nghe Cha kể, có một gia đình nọ trong làng, mẹ của anh ấy vừa mới mất chưa tròn tháng, xác chưa kịp phân hủy thì trong họ có thêm người mất. Buộc phải đào huyệt mộ của mẹ anh ấy lên để cho xác mới vào. Khi ấy xác của mẹ anh ấy còn chưa kịp phân hủy, đã có một các xác mới chồng lên. Anh ấy vô cùng xót thương cho mẹ mình. Cứ liên tục như vậy cho đến khi chiếc quan tài được lấp đầy xương sẽ được làm lễ bỏ mả.

Không chỉ với quan niệm “Người cùng nhà sẽ chết cùng mồ”, người Jrai còn tin rằng người chết cũng có cuộc sống riêng, vì vậy họ sẽ chia tài sản cho những người đã mất để có vẫn có thể làm ăn ở thế giới của mình. Những món đồ phổ biến đó là Ghè Yàng, gùi, nỏ, khung cửi, chén bát,…

Lễ bỏ mả là một nghi thức nhỏ, không quá to. Chỉ cần con gà, mâm xôi cùng đĩa hoa quả để thầy Mo cúng. Vậy là xong thủ tục bỏ mả, khi đó người dân mới được đào thêm một cái mả mới khi có người chết tiếp theo trong làng.

Lễ Bâng Thi

Đối với người Jrai, lễ Bâng Thi không khác gì dịp tết Nguyên Đán của người kinh. Trong ngày này, người dân trong làng quần áo chỉnh tề, tạm gác mọi công việc và kéo nhau ra khu nhà mả để làm lễ. Các gia đình trong làng cùng nhau góp gạo, thịt, rượu,… Cả làng tập trung ăn uống no say bên cạnh ngôi mộ của những người chết. Các trò chơi dân gian đồng thời cũng được tổ chức tại đây.

Mỗi tháng người Jrai sẽ tổ chức lễ Bâng Thi tại khu nhà mả một lần. Vào ngày này, toàn bộ người dân trong làng sẽ tập trung. Mỗi gia đình sẽ mang đến 1 ghè rượu, còn lại tuỳ vào hoàn cảnh gia đình mỗi người. Lễ Bâng Thi tròn tháng của ngưới mới chết tương tự như lễ cưới hỏi của người Kinh. Hôm nay gia đình này có lễ dân làng kéo nhau đi, hôm sau gia đình mình có lễ dân làng lại kéo nhau đi tiếp.

Nhà Nguyện của người Jrai tại làng Bồ
Nhà Nguyện của người Jrai tại làng Bồ

Người Jrai cho rằng đây là hình thức dân làng thực hiện nghi lễ để người chết được siêu thoát, để linh hồn của người chết không bị cô đơn, lạnh lẽo vì có dân làng bên cạnh.

Không chỉ tục mai táng khác lạ, mà tục làm lễ Bâng Thi của người Jrai theo cách “làm cả năm ăn một tháng” để tưởng nhớ người đã mất. Không bàn đến ý nghĩa của nó, nhưng người Jrai vốn quanh năm khó khăn, vất vả. Vậy nên phong tục này lại càng khiến cho đời sống kinh tế của họ càng khó khăn hơn.

Kết luận

Đây là phong tục nghe có vẻ kỳ dị nhưng lại là nét văn hoá vô cùng đặc trưng của người Jrai. Đến nay, cuộc sống ngày càng hiện đại, người Jrai cũng dần bỏ đi tục chôn tập thể này. Một số ít nhà sàn vẫn còn để quan tài phía bên dưới như một nét văn hoá đặc trưng.

Khi lên Tây Nguyên, mình sống cùng người Sedang. Bên cạnh đó mình có cơ hội được Cha Chính đưa đi thăm và giao lưu cùng các dân tộc khác như Bana, Ede, Jrai,… và được trải nghiệm văn hoá, lối sống của họ. Mình đã có những trải nghiệm vô cùng mới lạ và độc đáo tại nơi đây. Và đây hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân của mình. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết

Mỹ Trinh – Fairy